Mục lục
Hãy giới thiệu về bản thân – Bí quyết trả lời khi đi phỏng vấn xin việc
Trong các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường đặt câu hỏi: “Hãy cho tôi biết về bản thân bạn”. Bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Nói về tiểu sử gia đình? Chia sẻ với họ những gì bạn làm trong thời gian rảnh rỗi? Hoặc nhiều ứng viên nghĩ rằng mọi thông tin về cá nhân, quá trình học vấn, làm việc đã thể hiện đầy đủ trong CV rồi tại sao nhà tuyển dụng vẫn đặt câu hỏi? Mục đích để làm gì?
Chuyên gia Joel Schwartzberg, tác giả cuốn “Get to the Point! Sharpen Your Message and Make Your Words Matter” đã chia sẻ rằng, khi nhà tuyển dụng hỏi câu này, điều họ mong đợi nhất ở bạn là nêu lên quan điểm của bạn, chứ không phải là cung cấp thông tin về bạn. Đồng thời, qua cách trả lời câu hỏi, nhà tuyển dụng có thể đánh giá về sự tự tin và khả năng của bạn. Vậy bạn nên đề cập đến những điều gì để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng?
Dưới đây là những câu trả lời tùy theo từng trường hợp cụ thể. Bạn tham khảo nhé!
1. Khi bạn đang là sinh viên
Đa số sinh viên thời đại ngày nay đều có ý định vừa học vừa làm để kiếm thêm thu nhập, đồng thời làm quen trước với môi trường làm việc thực tế. Dù không yêu cầu quá cao về trình độ hay kinh nghiệm làm việc ở những ứng viên này, nhưng tùy từng trường hợp, nhà tuyển dụng vẫn có những yêu cầu nhất định. Do đó, khi trả lời câu hỏi trên, hãy khẳng định với nhà tuyển dụng rằng dù chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng bạn rất đam mê với ngành mà bạn ứng tuyển, kèm theo đó là một câu chuyện chứng minh cho sự đam mê đó.
2. Khi bạn mới tốt nghiệp
Nhà tuyển dụng thường không yêu cầu quá nhiều về kinh nghiệm hay sự chuyên nghiệp ở những ứng viên mới tốt nghiệp. Nếu như bạn phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng, họ sẵn sàng đào tạo cho bạn. Hãy thể hiện sự ham học hỏi cùng mong muốn cống hiến cho công ty, mong muốn được làm việc, học hỏi thêm từ các quản lý, đồng nghiệp trong công ty khi nhận được câu hỏi “Giới thiệu về bản thân bạn?”.

3. Khi bạn đã đi làm và muốn chuyển việc
Để trả lời cho câu hỏi này, bạn cần thực hiện 2 bước. Thứ nhất, xác định nhà tuyển dụng yêu cầu điều gì ưu tiên cho vị trí đang tuyển. Thứ hai, chỉnh câu trả lời để chứng tỏ bản thân bạn là ứng viên đáp ứng nhu cầu đó tốt nhất.
3.1 Xác định nhu cầu ưu tiên
Xác định nhu cầu của công ty nghĩa là đọc kỹ phần mô tả công việc của vị trí ứng tuyển và rút ra những điều ưu tiên nhất, thể hiện qua các cụm từ như “yêu cầu”, “phải có”, “yêu cầu cao”. Tiếp đến, hãy làm nổi bật những yêu cầu đó trong câu trả lời của bạn. Mục “ưu tiên” trong thông tin tuyển dụng ít quan trọng hơn, ngay cả khi bạn có đủ các tiêu chuẩn đó, bởi đó chỉ là tiêu chí chọn lựa các ứng viên khi nhà tuyển dụng cân nhắc. Hãy chú ý các mục bên dưới tiêu đề như “Chúng tôi đang tìm” và “Điều chúng tôi cần”.
Trường hợp bạn có đầy đủ kỹ năng phù hợp với các mục trong phần mô tả công việc nhưng vai trò hay chức danh trong công việc lại không phù hợp, hãy thuyết phục nhà tuyển dụng một cách ấn tượng rằng các kỹ năng của bạn đạt yêu cầu và bạn là người phù hợp với công việc đang tuyển như thế nào.
Bạn cũng có thể đoán được không khí của nơi làm việc thông qua âm điệu của phần mô tả công việc. Phần mô tả công việc được viết một cách khéo léo, câu chữ hài hước cho thấy đó là một môi trường làm việc vui vẻ, thoải mái. Ngược lại, mô tả công việc cứng nhắc cho thấy môi trường làm việc bảo thủ, mọi người vô cùng nghiêm túc khi làm việc ở đó.
Kế tiếp, hãy truy cập vào trang web hay các trang mạng xã hội của công ty, đọc và nghiên cứu thật kỹ văn hóa và các giá trị cốt lõi của công ty trong phần “giới thiệu”.
Từ hai nguồn này, bạn hãy liệt kê 3 yêu cầu từ ứng viên mà họ đang ưu tiên nhất. Ví dụ, “tiếng Nhật N3 trở lên”, “người sáng tạo”, “người có khả năng làm việc nhóm tốt”, không phải các năng lực như bằng thạc sỹ và “3 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực liên quan”.
3.2 Đáp ứng nhu cầu
Bây giờ, hãy bắt đầu bằng câu “Tôi là ứng viên mà…” hoặc “Cách tiếp cận các vấn đề trong công việc của tôi là…”
Hãy nêu một ví dụ về sự chuyên nghiệp của bạn để chứng tỏ việc bản thân đáp ứng được nhu cầu cụ thể của nhà tuyển dụng. Bạn nên nêu ví dụ có bối cảnh tương tự với bối cảnh công ty bạn đang ứng tuyển. Hãy nâng cao giá trị bản thân để có thể tăng điểm đối với sự phù hợp này, nhưng đừng nói dối hoặc cường điệu quá mức.
3.3 Luyện tập trả lời
Ghép hai bước này lại với nhau thành câu trả lời: “Tôi là ứng viên mà…” và ví dụ của bạn. Vì đây chỉ là luyện tập nên bạn sẽ có xu hướng lẩm bẩm câu trả lời, nhưng đừng lười biếng! Hãy tập nói to, như thể bạn đang trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng. Luyện tập trả lời thành tiếng rõ, to là bài tập về thể chất, giúp bạn có thêm ý tưởng khi trí óc và miệng hoạt động cùng lúc.
3.4 Phối hợp tất cả lại
Sau khi thực hiện các bước như trên, bạn đã có câu trả lời hoàn hảo cho bản thân nếu nhận được câu hỏi “Hãy cho tôi biết về bản thân bạn”. Bạn biết đấy, nắm rõ nhu cầu công ty và đặt bản thân vào vị trí bạn muốn ứng tuyển bằng một câu chuyện sẽ có kết quả hơn nhiều so với việc nói dối trong cuộc phỏng vấn.
Chúc bạn thành công!
Xem thêm: