Mục lục
- Tìm việc ở nước ngoài – Không khó như bạn nghĩ!
- 1. Chọn quốc gia bạn muốn đến
- 2. Theo sát thông tin và khởi động hành trình tìm việc ở nước ngoài
- 3. Tìm cơ hội được công tác nước ngoài
- 4. Tham gia các sự kiện, câu lạc bộ hoặc hội thảo
- 5. Hoàn thiện kỹ năng phỏng vấn trực tuyến
- 6. Thuyết phục giám đốc tuyển dụng rằng bạn xứng đáng
Tìm việc ở nước ngoài – Không khó như bạn nghĩ!
Làm việc tại nước ngoài luôn là ước mơ của rất nhiều người trên con đường sự nghiệp. Trong những năm gần đây, xu hướng làm việc ở nước ngoài ngày càng được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Ở đó, họ được trải nghiệm nền văn hoá, tìm hiểu lối sống mới, chất lượng cuộc sống được tăng lên, an sinh xã hội tốt. Nếu bạn đang có ý định tìm việc ở nước ngoài thì bỏ túi ngay một số bí quyết dưới đây nhé.
1. Chọn quốc gia bạn muốn đến
Điều đầu tiên, đó là bạn phải xác định nơi muốn đến!
Bạn muốn đi nước ngoài, nhưng cụ thể là khu vực, đất nước, thành phố nào? Chọn một quốc gia để chuyển đến lập nghiệp không phải chuyện dễ dàng. Mỗi vùng đất đều có nền văn hóa, địa lý, khí hậu và ngôn ngữ khác nhau. Bạn cần dành thời gian để tìm hiểu về lối sống lẫn chi phí, khả năng, trình độ và cả sở thích của bản thân để lựa chọn nơi phù hợp nhất. Ví dụ, nếu xét về trình độ ngoại ngữ, bạn có lợi thế về khả năng tiếng Anh thì các nước sử dụng tiếng Anh sẽ cho bạn nhiều cơ hội hơn. Tuy nhiên, nếu xét về sở thích, bạn thích một đất nước nhưng lại không giỏi ngôn ngữ nước đó, đừng vội vàng bỏ cuộc, vì rằng nếu bạn đã định hướng rõ ràng, có ý chí quyết tâm và không ngại học hỏi, không ngại khó thì chắn chắn bạn cũng sẽ đạt được bất cứ mục tiêu nào. Việc xác định rõ được nơi mình muốn đến chiếm không ít thời gian của bạn, nhưng sẽ giúp bạn hạn chế được sự bỡ ngỡ một cách đáng kể khi đặt chân đến một đất nước mới.
2. Theo sát thông tin và khởi động hành trình tìm việc ở nước ngoài
Khi đã xác định được quốc gia muốn đến, bạn hãy bắt đầu tìm kiếm cơ hội việc làm thông qua các website việc làm ngoài nước lẫn trong nước, hoặc trực tiếp truy cập vào cổng thông tin nghề nghiệp quốc tế của các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, hãy liên tục nắm bắt thông tin, dõi theo các tin tức quốc tế để biết những sự kiện mới và cơ hội hấp dẫn. Sau khi xác định được công ty muốn làm việc, bạn hãy tìm hiểu xem công ty đó được nhận xét như thế nào thông qua các báo chí, internet hoặc các công cụ đánh giá doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu xem công việc nào đang cần tuyển. Các công việc bạn có thể làm ở nước ngoài không chỉ phụ thuộc vào trình độ ngoại ngữ, bằng cấp, kinh nghiệm mà còn phụ thuộc vào nhu cầu tuyển dụng của địa phương đó. Hãy tìm hiểu danh sách các công ty đang thiếu hụt nhân sự ở nước bạn muốn đến, cũng như ngành nghề có thể cho bạn nhiều cơ hội nhất.
3. Tìm cơ hội được công tác nước ngoài
Trong thời đại hội nhập như ngày nay, nhiều công ty trong nước thường tổ chức các chương trình đưa nhân viên ra nước ngoài học các khóa học ngắn hạn hoặc làm việc. Một trong những cách tốt nhất để có được công việc ở nước ngoài là bạn đảm nhận các vị trí thường xuyên được luân chuyển vai trò. Thông thường khi được công ty cử sang nước ngoài làm việc, bạn sẽ được công ty chuẩn bị phần thủ tục và các chi phí như Visa, đi lại và ăn ở. Bên cạnh đó, một số các quốc gia như Úc và New Zealand luôn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho các công việc như trồng trọt, hái trái cây và thu hoạch mùa vụ. Phía công ty sẽ cung cấp hình thức visa du lịch kết hợp làm việc, cho phép bạn vừa sống vừa làm việc trong khi tìm kiếm công việc lâu dài. Bạn có thể cân nhắc tìm kiếm công việc như thế.
4. Tham gia các sự kiện, câu lạc bộ hoặc hội thảo
Đừng bỏ lỡ cơ hội tham gia vào các sự kiện, câu lạc bộ hoặc các buổi hội thảo liên quan đến đất nước mà bạn muốn đến, đó là những hoạt động giúp bạn thiết lập được mạng lưới quan hệ xã hội và kết bạn để tìm kiếm cơ hội.
5. Hoàn thiện kỹ năng phỏng vấn trực tuyến
Để được làm việc tại nước ngoài, bạn phải trải qua quá trình phỏng vấn. Thật khó để thực hiện việc bay đến các nước để tham dự phỏng vấn, nên bạn cần tìm hiểu và học cách sử dụng thành thạo các công cụ trò chuyện trực tuyến, ví dụ như Skype, zoom cloud meeting, google meet… Kiểm tra kỹ chức năng bật/tắt camera máy tính, micro, tai nghe, đường truyền mạng internet, chọn ngồi ở nơi có phông nền trung tính, lựa chọn trang phục gọn gàng, lịch sự bất kể thời gian phỏng vấn là ngày hay đêm .
6. Thuyết phục giám đốc tuyển dụng rằng bạn xứng đáng
Việc thuyết phục được giám đốc tuyển dụng để họ quyết định chọn ứng viên từ một đất nước xa xôi như bạn về làm việc cho họ là một thử thách vô cùng lớn mà bạn phải vượt qua. Bạn có được lọt vào tầm ngắm của nhà tuyển dụng hay không, họ đánh giá bạn cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều vào thư xin việc. Hãy khẳng định và nhấn mạnh rằng dù đang ở Việt Nam nhưng bạn có kế hoạch chuyển đến sinh sống và làm việc tại thành phố của họ, thậm chí bạn có thể tự trang trải chi phí ăn ở, và sẵn sàng làm những điều cần thiết để có được cuộc phỏng vấn trực tiếp… Bên cạnh đó, cần chứng minh bạn là lựa chọn hoàn hảo và là người thực hiện công việc tốt nhất mà họ cần.
Bạn hãy nhớ rằng, không có con đường nào trải sẵn hoa hồng và cũng chẳng có ước mơ nào tự biến thành hiện thực. Do đó, hãy luôn chủ động trong mọi tình huống để đạt được những gì bạn muốn.
Xem thêm: