TUYỂN SINH VÀ NGHỀ NGHIỆP
Image default
CẨM NANG NGHỀ NGHIỆP

Làm sao để đối phó với đồng nghiệp lười biếng

Đồng nghiệp lười biếng, làm sao để đối phó?

Môi trường nào cũng có người cần cù, chăm chỉ lẫn những người lười biếng, hay ỷ lại vào người khác. Không gì may mắn hơn khi được làm việc cùng những người siêng năng, đầy nhiệt huyết. Ngược lại, làm việc với những người lười biếng khiến bạn khó chịu, mệt nhọc và ức chế tột độ. Nhưng bạn không có quyền chỉ dạy hay giám sát họ, vậy bạn nên làm thế nào? Dưới đây là những gợi ý giúp bạn đối phó với đồng nghiệp lười biếng một cách khôn ngoan nhất.

Góp ý thẳng thắn với đồng nghiệp

Trong trường hợp một nhóm gồm bạn và những đồng nghiệp lười biếng nhận được yêu cầu phải hoàn thành công việc gấp trong thời gian ngắn, hãy phân chia công việc, nhiệm vụ, deadline cụ thể cho từng người, đảm bảo rằng tất cả họ đều hiểu rõ và hài lòng với công việc được giao. Bên cạnh đó, để không ảnh hưởng đến thành tích chung, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra tiến độ công việc của họ.

Nếu deadline đã gần kề mà họ vẫn thảnh thơi, công việc được giao vẫn chưa có tiến triển gì, bạn cần nói chuyện thẳng thắn với họ, tìm hiểu nguyên nhân, giải đáp và chia sẻ những khó khăn của họ, nói ra hậu quả của việc chậm trễ… Nếu như họ chưa hoàn thành vì thói lười biếng, hãy nói rõ với họ việc đã phân chia và được đồng ý từ đầu rồi, bạn có thể giúp đỡ để đảm bảo công việc của nhóm, nhưng bạn cũng nên nói với đồng nghiệp đó rằng sẽ không có lần sau. Nếu họ vẫn cố chấp, hãy xin ý kiến và sự trợ giúp từ cấp trên.

Không chỉ trích đồng nghiệp

Bạn cảm thấy khó chịu khi bạn thì “vắt chân lên cổ” nhưng đồng nghiệp lười biếng không tận tâm làm việc. Tuy nhiên, bạn không nên chỉ trích họ gay gắt, vì điều đó không những không mang lại lợi ích cho bạn, mà đôi khi có thể dẫn đến những xích mích trong công sở. Bạn chỉ nên lên tiếng khi họ làm ảnh hưởng tới bạn.

Không “gánh” phần việc của đồng nghiệp lười biếng

Giúp đỡ lẫn nhau trong công việc là điều bình thường và nên làm, tuy nhiên, nếu đồng nghiệp là người lười biếng và thường xuyên nhờ vả thì bạn cần dứt khoát từ chối thẳng thừng. Trong trường hợp bạn ở cùng nhóm hay làm cùng một nhiệm vụ với họ, hãy nhắc nhở họ về công việc và thời hạn hoàn thành, đừng cả nể mà làm luôn phần việc của họ. Vì nếu bạn giúp họ một lần, hai lần, dần dần tạo cho họ thói quen ỷ lại, dựa dẫm, đồng thời cũng sẽ khiến tâm trạng bạn bực bội, khó chịu.

Đồng nghiệp lười biếng, làm sao để đối phó?
Đồng nghiệp lười biếng, làm sao để đối phó?

Tập trung vào công việc của bản thân

Bạn đang vật lộn với cả đống công việc được giao trong khi đồng nghiệp lười biếng thảnh thơi ngồi tám chuyện, lướt facebook, ăn uống… Bạn bực bội và cảm thấy bất công vì cuối tháng họ vẫn lãnh lương đầy đủ còn bạn cũng chẳng được thưởng thêm đồng nào. Nếu cứ chăm chăm để ý xem họ đang làm gì, họ sẽ hoàn thành công việc được giao như thế nào thì dần dần bạn cũng sẽ bị sao nhãng công việc và có thể trở thành một kẻ lười biếng như họ. Tốt hơn hết bạn nên tập trung hoàn thành tốt việc của mình.

Giữ vững thái độ và tinh thần làm việc

Không nên ganh tỵ, tỏ thái độ với đồng nghiệp lười biếng, hay phàn nàn với đồng nghiệp khác bởi những điều đó thể hiện bạn là người thiếu chuyên nghiệp, đồng thời hiệu quả công việc sẽ bị ảnh hưởng bởi tinh thần tiêu cực đó, ngoài ra, bạn có thể làm tổn hại tới mối quan hệ giữa mọi người trong công ty. Tốt nhất là bạn hãy giữ vững thái độ và tinh thần làm việc của mình, đừng để bản thân và công việc bị ảnh hưởng bởi người khác, và nhất là đừng để sự lười biếng của kẻ khác lây sang bạn.

Đề cập với cấp trên một cách khéo léo

Khi bạn đã cố gắng tập trung nhưng vẫn bị phân tâm, bạn ức chế và muốn báo cáo với cấp trên. Tuy nhiên nếu bạn vội vàng, mang tâm trạng bực bội tới gặp sếp và phàn nàn về đồng nghiệp lười biếng sẽ khiến họ có cái nhìn không hay về bạn. Thay vào đó, bạn cần khéo léo hơn. Hãy thường xuyên cập nhật tiến độ công việc của nhóm và từng thành viên trong nhóm để báo cáo cho cấp trên nắm được tình hình công việc cũng như biết được nguyên nhân khiến cho công việc bị chậm tiến độ, và nhờ họ giúp đỡ nếu bạn đã hết cách. Đồng thời, thông qua báo cáo này, cấp trên sẽ biết được trình độ và thái độ làm việc của từng cá nhân. Đừng bao giờ than vãn hay nói xấu đồng nghiệp, thay vào đó, hãy đề cập với cấp trên theo hình thức góp ý sẽ khiến họ thấy được sự bình tĩnh ở bạn, đồng thời đánh giá cao năng lực của bạn.

Xem thêm:

Tin liên quan

Bí quyết trả lời câu “Hãy giới thiệu về bản thân bạn” khi phỏng vấn xin việc

tuyensinh

Kỹ năng nghề nghiệp là gì? Có những loại kỹ năng nghề nghiệp nào?

tuyensinh

6 bước phát triển kỹ năng nghề nghiệp mà bạn cần biết

tuyensinh