Mục lục
Thay đổi nghề nghiệp và những sai lầm thường gặp
Thay đổi nghề nghiệp là một quá trình mà nhiều người đã phải suy ngẫm trong một thời gian dài. Bạn đã tốt nghiệp đại học và đi làm được vài năm, nhưng cảm thấy chán nản với nghề nghiệp hiện tại và muốn chuyển đổi hoàn toàn sang một ngành khác. Bạn có tinh thần cầu tiến, luôn nỗ lực và không ngại khó khăn, tuy nhiên, trước khi bỏ việc, bạn nên suy nghĩ cẩn thận để đảm bảo rằng mình đang đưa ra quyết định đúng đắn. Dưới đây là một số sai lầm thường gặp của những người muốn thay đổi nghề nghiệp mà bạn nên tránh để sau này không phải hối tiếc và thốt lên hai tiếng “giá như”.
1. Chạy theo đồng tiền
Đồng tiền rất quan trọng, nhưng đừng bao giờ để đồng tiền chi phối quá nhiều đến những quyết định của bạn trong cuộc sống, đặc biệt là trong công việc. Hãy thử tưởng tượng, bạn nhận được một lời đề nghị làm việc cho một công ty với mức lương rất hấp dẫn, nhưng môi trường làm việc luôn ngột ngạt, căng thẳng, áp lực, bạn không thấy vui vẻ, không thấy yêu công việc hiện tại, không có thời gian riêng cho bản thân, thì bạn cũng sẽ không cảm thấy hạnh phúc. Công ty giống như một ngôi nhà, đồng nghiệp và nghề nghiệp là người nhà, là những người, những thứ gắn bó với bạn suốt cả cuộc đời. Bạn phải yêu, phải thấy hợp mới có thể sống đoàn kết lâu dài. Do đó, đừng thay đổi công việc chỉ vì lợi ích trước mắt, hãy suy nghĩ thật kỹ xem công việc đó có thực sự phù hợp với bạn hay không.
2. Chạy theo công việc “hot”
Một công việc đang “hot” và được nhiều người săn đón chưa hẳn đã phù hợp với bạn. Nếu bạn cứ cố gắng chạy theo những nghề “hot” mà không quan tâm đến việc bạn có phù hợp với nghề đó hay không trông giống như việc bạn đi trên một đôi giày quá chật hoặc quá rộng, sẽ khiến bạn đi chậm, khó chịu và không tự tin. Bạn sẽ không thể thành công được khi làm một công việc không phù hợp với tính cách và năng lực của bạn. Hơn nữa, những công việc “hot” nóng lên nhanh nhưng hạ nhiệt cũng nhanh không kém. Nếu bạn chỉ lo chạy theo những phong trào không phù hợp với bản thân, chắc chắn bạn sẽ kiệt sức và bị bỏ lại phía sau.
3. Chiều theo cảm hứng của bản thân
Thay đổi công việc theo cảm hứng cá nhân cũng là một sai lầm khi đổi nghề nghiệp. Điều này cho thấy bạn là người có tính bốc đồng, hoặc tâm lý “cả thèm chóng chán”. Các công việc trái ngành, không đúng với đam mê và sở thích thường được lựa chọn bởi những người có tính cách này. Sẽ là một quyết định vô cùng sai lầm nếu như bạn quyết định bỏ công việc cũ để đến với ngành nghề mới không những nằm ngoài chuyên môn mà còn không đúng với đam mê và sở thích của mình mà không suy nghĩ và xem xét kỹ lưỡng.
4. Thay đổi vì thấy người khác thành công
Một sai lầm nữa mà nhiều người mắc phải khi quyết định thay đổi nghề nghiệp đó là tâm lý bắt chước. Thấy người khác làm tốt ở lĩnh vực nào, bạn cũng muốn thay đổi, muốn làm theo và mong mình cũng đạt được những kết quả giống như người đó. Nhưng bạn phải biết rằng, mỗi người đều có năng lực và tính cách hoàn toàn khác nhau, bạn có thể làm tốt công việc này nhưng chưa chắc đã thành công ở công việc kia, và những người khác cũng vậy. Đôi khi, tính cách nông nổi, bắt chước cũng khiến bạn phải trả giá khá đắt cho sự thay đổi của mình.
5. Thay đổi để có thêm kinh nghiệm
Nếu như bạn là một sinh viên đang ngồi trên giảng đường, bạn muốn thay đổi để có thêm kinh nghiệm là một điều hay và nên làm, vì bạn có thể thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau và sau đó lựa chọn hướng đi đúng nhất cho riêng mình. Nhưng với một số người khác, đó có thể sẽ là sai lầm. Bạn biết đấy, trong tình hình đất nước phát triển, thị trường có nhiều cạnh tranh như hiện nay, để kiếm được một công việc ưng ý và phù hợp là điều không dễ. Đừng xem nghề nghiệp là “cần câu cơm” tạm thời. Qua công việc đang đảm nhiệm, bạn có thể tự mình tìm kiếm những kinh nghiệm chuyên sâu, không cần thiết phải chơi trò mạo hiểm với bản thân mình như vậy. Nếu mạo hiểm, bạn có thể thành công, nhưng cũng có thể “cần câu cơm” của bạn sẽ bị đứt, như vậy kết quả cho sự mạo hiểm đó sẽ là con số không.
6. Thay đổi vì mâu thuẫn với sếp, với đồng nghiệp
Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi đối với bất kỳ ai khi làm việc trong môi trường công sở. Tuy nhiên, thật không đáng chút nào nếu bạn quyết định từ bỏ công việc lý tưởng hiện tại chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Thay vì tức giận, buồn bực, hãy học cách đối diện, chấp nhận những mâu thuẫn đó, tìm hiểu nguyên nhân của mâu thuẫn và tìm hướng giải quyết. Điều đó giúp bạn có thể bình tĩnh hơn nếu có xảy ra mâu thuẫn trong những lần tiếp theo và sẽ không có những suy nghĩ bốc đồng.
Tóm lại: Mỗi người đều có mỗi hoàn cảnh, nghề nghiệp, quan điểm, với những lý do để tiếp tục theo đuổi công việc hiện tại, thay đổi công việc hoặc thay đổi nghề nghiệp khác nhau. Nếu bạn thật sự muốn thay đổi, hãy dành thời gian để đánh giá, suy ngẫm và cân nhắc, đồng thời tham khảo ý kiến của gia đình, bạn bè, những người bạn tin tưởng để đưa ra quyết định sáng suốt nhất cho mình.
Xem thêm: