Mục lục
Top 10 ngành nghề cho người hướng ngoại
Bạn là người hướng ngoại nhưng đang băn khoăn không bết nên lựa chọn ngành nghề nào phù hợp với mình. 10 công việc sau đây sẽ giúp bạn có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Bạn là người hướng ngoại nhưng đang băn khoăn không bết nên lựa chọn ngành nghề nào phù hợp với mình. 10 công việc sau đây sẽ giúp bạn có sự lựa chọn phù hợp nhất.Người hướng ngoại thường nhiệt tình, sôi nổi, quyết đoán, có xu hướng thích giao lưu và tiếp xúc với mọi người, họ thường tỏ ra thích thú với mọi điều xung quanh và luôn lạc quan. Ngoài ra, người hướng ngoại còn sở hữu nhiều lợi thế như tính sáng tạo cao, năng động, khả năng kiểm soát tốt, xử lý thông tin nhanh, hỗ trợ và nâng cao tinh thần đồng đội. Do đó, họ dễ dàng xây dựng được các mối quan hệ cộng tác lâu dài, đồng thời, thích nghi và ứng xử nhanh với nhiều tình huống và hoàn thành công việc tốt hơn.
Với những tính cách như trên, người hướng ngoại thường có xu hướng lựa chọn những công việc có thể giao lưu và tiếp xúc với nhiều người.
1. Chuyên gia nhân sự
Lĩnh vực tư vấn nhân sự có thể giúp bạn phát triển và hoàn thiện tính cách của mình. Với lĩnh vực này, bạn phải hòa mình vào công việc, tiếp xúc với những người có tính cách khác nhau, giải quyết nhu cầu hàng ngày của đội ngũ lao động và nhu cầu nhân sự ngày càng khắt khe của các công ty. Ngoài ra, bạn còn có cơ hội tìm hiểu sâu về công việc và tính cách của những người thuộc các phòng ban khác, nắm bắt toàn diện công việc của công ty. Làm về lĩnh vực nhân sự đòi hỏi bạn phải luôn sáng suốt trong việc tư vấn cho ban lãnh đạo và quyết định tuyển dụng ứng viên phù hợp, có tầm nhìn chiến lược, chủ động dàn xếp ổn thỏa các vấn đề.
2. Diễn viên
Diễn viên là nghề không thể bỏ qua nếu bạn là người có tính cách hướng ngoại và đam mê diễn xuất, bạn luôn mong muốn mọi người nhận xét, đánh giá về năng lực của mình một cách chính xác, chân thành. Đây là một nghề khá mạo hiểm và đầy thách thức, có tính cạnh tranh cao, bạn sẽ có cơ hội hóa thân thành những nhân vật khác nhau. Do đó, ngoài ưu điểm xử lý thông tin nhanh, tính năng động, bạn cần phải có đủ tài năng, năng lượng, lòng nhiệt huyết, không ngừng rèn luyện về kỹ năng diễn xuất và duy trì các mối quan hệ với nhiều người trong bộ môn nghệ thuật này.
3. Chuyên viên quan hệ công chúng (PR)
Nhằm đáp ứng những yêu cầu của giới truyền thông hoặc làm việc cho các chiến dịch quảng cáo, công việc của bạn luôn gắn liền với các phương tiện truyền thông đại chúng, với báo chí, do đó, bạn phải có uy tín.
Với tính cách sôi nổi, nhiệt tình, bạn luôn hứng khởi và tràn đầy năng lượng khi làm việc với mọi người và có thể dễ dàng xây dựng các mối quan hệ lâu dài cần thiết cho công việc.

4. Nhân viên bán hàng
Nhân viên bán hàng là lựa chọn hoàn hảo đối với người có tính cách sôi nổi, nhanh nhẹn, hoạt bát, và yêu thích sự giao lưu. Là bộ mặt của công ty, thường xuyên tiếp xúc với khách hàng, do đó, bạn phải có đủ các kỹ năng cần thiết như hiểu rõ đặc tính của sản phẩm, nắm bắt tâm lý con người, giao tiếp tốt, khả năng xử lý tình huống nhanh. Đó là chìa khóa giúp bạn nhanh chóng thăng tiến và dễ đi đến thành công trong lĩnh vực này.
5. Hướng dẫn viên du lịch
Có thể nói, hướng dẫn viên du lịch là một trong những ngành nghề thu hút đông đảo nguồn lao động đủ mọi lứa tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Niềm đam mê khám phá thiên nhiên, văn hóa của các vùng đất mới, cùng sở thích giao lưu với mọi người là những điều kiện cần của một hướng dẫn viên du lịch. Để trở thành một hướng dẫn viên du lịch giỏi, ngoài những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và các kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng tổ chức, kỹ năng ngoại ngữ, các đặc thù trong tính cách hướng ngoại như kiến thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử, khả năng thấu hiểu tâm lý con người và sự tự tin khi giao tiếp sẽ giúp bạn làm tăng thêm sự hứng thú cho nhiều người, kể cả những vị khách khó tính.
6. Chuyên gia vật lý trị liệu
Người làm công việc này cần phải thể chất và tinh thần tốt, biết chia sẻ, có khả năng thuyết phục, vì kết quả đạt được trong điều trị bệnh không thể nhìn rõ trong ngày một ngày hai. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, bạn phải luôn kiên trì, thường xuyên trao đổi, trò chuyện với người bệnh, tạo cho họ sự yên tâm, thoải mái, biết cách đối diện với những căng thẳng và thất bại.
7. Tổ chức sự kiện
Kiến thức và kỹ năng là những điều có thể học hỏi qua sách vở và thực tiễn, tuy nhiên, để trở thành người tổ chức sự kiện giỏi, bạn phải có những tố chất như: khả năng tổ chức tốt, năng động, nhanh nhẹn, kiên nhẫn, dồi dào năng lượng, kỹ năng tương tác giữa các cá nhân và tổ chức tốt, khả năng thiết lập mối quan hệ tốt, luôn có tính sáng tạo và đổi mới. Người làm công việc tổ chức sự kiện không chỉ lên kế hoạch, chuẩn bị địa điểm, trang thiết bị, kịch bản cho sự kiện, giám sát tổ chức và thực hiện, liên hệ vơi các công ty liên quan, mà còn liên hệ với khách hàng và đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất.
8. Bác sỹ răng hàm mặt
Bác sỹ răng hàm mặt là người thường xuyên giao tiếp với bệnh nhân và với các đồng nghiệp khác. Bệnh nhân thường cảm thấy yên tâm hơn khi gặp bác sỹ có khả năng giao tiếp tốt, tế nhị, hiểu và đáp ứng mong muốn của họ, giúp cho sức khỏe răng miệng của họ khỏe mạnh. Bên cạnh trình độ chuyên môn, bạn phải có tinh thần trách nhiệm cao, sự tỉ mỉ, khéo léo, khả năng quan sát và phán đoán nhạy bén để mang đến nụ cười đẹp cho bệnh nhân của mình.
9. Nhân viên tư vấn
Khi khách hàng có sự phân vân, bối rối, thắc mắc về sản phẩm hoặc dịch vụ, với những ưu điểm của người hướng ngoại như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tạo dựng niềm tin, kỹ năng phản ứng nhanh, tình thần nhiệt huyết, năng động khi làm việc, bạn sẽ là người giúp khách hàng của mình đưa ra quyết định lựa chọn ưng ý nhất.
10. Cán bộ quản lý giáo dục
Hoạt động trong lĩnh vực giáo dục diễn ra từ mầm non, tiểu học, trung học cho đến đại học, sau đại học đều đòi hỏi bạn phải có khả năng giao tiếp tốt. Ngoài phạm vi làm việc về chính sách, cách ứng xử của học sinh, sinh viên, bạn phải biết cách giao tiếp với các bậc phụ huynh, nhân viên đồng nghiệp của mình. Là nhân quyết định chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục trên toàn đất nước, bạn phải chuẩn mực trong cách ứng xử, giao tiếp và hành động.

Trên đây chỉ là một vài ngành nghề cơ bản gợi ý cho những người có tính cách hướng ngoại. Trên thực tế, việc chọn nghề còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: sở thích, trình độ, điều kiện gia đình, nhu cầu của xã hội…, không có sự phân định nào về ngành nghề chỉ dành riêng cho nhóm người hướng nội hay hướng ngoại. Do đó, bạn hãy lựa chọn và cân nhắc thật kỹ trước khi đưa ra quyết định nhé!
Chúc các bạn thành công
Xem thêm: